Bị ép ra trận Giả Tự Đạo

Bấy giờ quân Nguyên đã áp sát Trường Giang. Chế trí sứ Kinh Hồ Uông Lập Tín dâng thư lên Tự Đạo bàn hai kế sách giữ nước (tập hợp binh mã và tạm xin hòa hoãn) nhưng Tự Đạo không nghe, mắng Lập Tín là thằng mù chỉ biết nói bừa, sau đó bãi chức của Lập Tín, đưa Chu Tự Tôn lên thay[17]. Bấy giờ Nguyên Thế Tổ lấy cớ Giả Tự Đạo bội ước, cử Sử Thiên TrạchBá Nhan thống chế các lộ binh mã gồm 20 vạn quân, có hàng tướng Lưu ChỉnhLã Văn Hoán dẫn đường; tiến xuống phía nam. Về sau Sử Thiên Trạch bị bệnh phải quay về miến bắc, toàn bộ đại quân Nguyên do Bá Nhan chỉ huy. Tháng 9 ÂL, Bá Nhan chia quân ba đạo vượt sông. Tướng Trương Thế Kiệt đóng quân ở Dĩnh ra sức chống cự, quân Nguyên bèn bỏ qua Dĩnh châu, tiếp tục xuôi dòng Trường Giang đánh và chiếm được Hoàng gia Loan Bảo. Trong khi đó thì Sách Đa dẫn một đao quân từ Tảo Dương vào Không Sơn, Trạch Chiêu Thảo từ núi Lão Nha đánh Kinh Nam. Triều Tống bại hết trận này đến trận khác, sĩ khí sút kém hẳn.

Tháng 11, Tự Đạo tiến cử Vương Dược, Chương Giám làm Tả, Hữu thừa tướng. Lúc này thì quân Nguyên chiếm Sa Dương, Tân Thành, Vân An, La Củng, Cao Dương và Phúc châu. Chỉ có chế trí sứ Hoài Tây Hạ Quỳ, Đô Thống chế Vương Đạt và tuyên phủ sứ Kinh Hồ Chu Tự Tôn dùng quân du kích đánh địch mới tạm ngăn được bước tiến của quân Nguyên. Nhưng vận số của triều Tống đã hết, không thể chống giữ được bao lâu. Tháng 12 ÂL, Bá Nhan đóng 10 vạn quân kị ở Giang Bắc, lại sai A Lý Hải Nhai cùng Trương Hoằng Phạm tiến đánh Dương La Bảo, giết Vương Đạt, sau đó A Thuật dẫn đại quân vượt sông, Hạ Quý phải bỏ chạy. Bá Nhan chuẩn bị lấy Kinh Hồ còn mình và A Thuật đưa quân thẳng tiến vào Lâm An. Cả thành Lâm An chấn động.

Lúc đó ba thái học sinh cùng quần thần liên danh đề nghị sư tướng đốc quân[2]. Thái hoàng thái hậu hạ chiếu cho Giả Tự Đạo, Tôn Hổ Thần dẫn quân, mở kho lấy 10 vạn lạng vàng, 50 vạn lạng bạc, 1000 vạn tiến chuyển sang kho đô đốc để tiện sử dụng; lại hạ lệnh thiên hạ cần vương. Tự Đạo hết cách đành phải nhận lời, nhưng lại chần chừ không ra quân[18][19]. Đến đầu năm 1275, quân Nguyên chiếm Hoàng châu, ché trí sứ Duyện Giang Trần Dịch ra hàng. Tự Đạo triệu Lã Sư Quỳ làm tham tán đô đốc phủ quân sự nhưng Sư Quỳ không nhận và dẫn cả bọn họ Lã ra hàng. Lúc này nghe tin Lưu Chỉnh chết, Tự Đạo nghĩ quân Nguyên không còn người dẫn đường bèn ra quân đánh giặc, lệnh tập trung 13 vạn tinh binh cùng lên đường. Tự Đạo sai người liên hệ với Lã Sư Quỳ bàn việc nghị hòa nhưng không được. Tự Đạo lại sai Tống Kinh đến trại quân Nguyên đề nghị xưng thần, triều cống như hòa ước năm Khai Khánh mà chính Tự Đạo nói mà không làm. Bá Nhan không nghe.

Hạ Quý đem quân tới và đưa cho Tự Đạo một quyền sách, trong đó ghi rằng vận mệnh triều Tống chỉ có 320 năm[18]. Tự Đạo bất giác thở dài, rồi dùng Tôn Hổ Thần làm chiêu thảo sứ Giang Hoài, đến Kiến Khang mộ quân. Tự Đạo đến xin lỗi Uông Lập Tín chuyện khi trước và hỏi về kế sách chống giữ, Lập Tín đáp chỉ còn biết lấy cái chết để báo quốc. Quân Nguyên đã vây khốn Trì châu. Giả Tự Đạo lựa chọn 7 vạn quân giao cho Tôn Hổ Thần chỉ huy, lệnh Hạ Quý đem 2500 chiến thuyền theo đường sông tiến đánh quân Nguyên, còn mình đóng ở Lỗ Cảng làm hậu ứng. Tôn Hổ Thần ra trận thất lợi, Hạ Quý ngồi nhìn không cứu. Bá Nhan cho pháo bắn vào Trung quân, A Thuật cùng mấy ngàn tay chèo theo dòng nước đến sát bên thuyền quân Tống. Tướng tiên phong bên Tống là Khương Tài liều sức chống trả, Hổ Thần sợ hãi, bỗng nhiên nhảy sang thuyền Khương Tài. Quân sĩ nghĩ Hổ Thần đã chạy nên rất hoảng loạn. Hạ Quý không đánh mà bỏ chạy, và báo rằng Hổ Thần thua rồi. Tự Đạo bèn thu quân về Chu Kim Sa, giữa đường bị quân Nguyên đuổi riết, thương vong vô số. Tự Đạo hỏi kế Hạ Quý, Hạ Quý đề nghị rút quân về Dương châu, nghênh giá ra biển, còn mình sẽ ở lại giữ Hoài Tây. Tự Đạo bèn cùng Tôn Hổ Thần lui về Dương châu, cho treo cờ triệu tập ba quân mà chả ai thèm đến, thậm chí có người còn chửi rủa[18]. Quân Nguyên đánh vào Nhiêu châu, Lâm Giang, Trấn Giang, Ninh Quốc, Long Hưng, Giang Âm, các châu Thái Bình, Hòa châu lần lượt bị mất. Đó là vào cuối tháng 2 ÂL.

Tự Đạo dâng sớ xin dời đô. Thái hoàng thái hậu không theo, đến tháng 3 ÂL Hàn Chấn cũng dâng biểu, thái hoàng thái hậu mới triệu tập quần thần bàn định. Tả thừa tướng Vương Dược muốn cố thủ, Hàn Chấn phản đối và bỏ đi. Khi đó có thái học sinh dâng biểu xin tử thủ Lâm An, việc dời đô mới phải hoãn lại. Lúc này quân Nguyên đã áp sát, các đại thần lũ lượt bỏ trốn, triều Tống xem ra chẳng còn được bao lâu.